“Cuộc đời là bản hòa tấu của những thanh âm lạ, mỗi nhà thơ là một nốt nhạc, có người là nốt thăng, nốt trầm, và ta sẽ hát lên những giai điệu của riêng ta, nhấn mạnh những đặc điểm đặc trưng, riêng biệt của từng người.” (Trích đoạn của nhân vật Thế Lữ trong tác phẩm kịch “Hội thơ đa thế kỷ” trên sân khấu Dự án văn Khối 7 của Học sinh The Dewey Schools Cầu Giấy)
Sự sáng tạo truyền cảm hứng cho lớp trẻ
Thơ mới là một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng trong thế kỷ XX, gắn liền với tên tuổi của các “hoàng tử thơ”: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên… Những nhà thơ trẻ cùng lối làm thơ không bị “bó buộc bởi niêm luật” đã tạo nên những thay đổi lớn trong nền văn học nước nhà khi đứng lên phá bỏ những “xiềng xích” của tư duy cũ. Với nhiều thế hệ Học sinh, Thơ mới luôn là một “thử thách” không hề dễ dàng để khám phá và cảm nhận một cách đầy đủ. Tuy nhiên, bằng sự chủ động và sáng tạo trong phương pháp học tập, các Học sinh của lớp 7 SanJose đã không chỉ lĩnh hội được những kiến thức về Thơ mới mà còn truyền cảm hứng cho những vị khách mời có mặt trong buổi báo cáo dự án Văn khối 7 vừa qua.
Để khái quát lại tiến trình lịch sử của phong trào Thơ mới, bài báo cáo cùng sản phẩm Poster của nhóm 7SanJose giống như thước phim đưa tất khả khán giả trở lại năm tháng cũ để cùng có cái nhìn toàn diện hơn với một giai đoạn hiện đại hóa thơ ca Việt Nam.
Bài tiểu luận Tình yêu trong bài thơ ‘Tương tư, chiều’ của Xuân Diệu – TDSer Bảo Ngọc cho khán giả trong hội trường hiểu hơn về “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” khi sử dụng những ngôn ngữ nghệ thuật táo bạo, sinh động, tạo cho người đọc cái nhìn rất mới về cuộc sống.
Lựa chọn cho mình 1 góc nhìn khác với đề tài “Hình ảnh biển trong thơ Huy Cận trước và sau Cách mạng tháng 8” – TDSer Đình Anh lại mang đến cho người nghe những cảm xúc tự hào về dấu mốc vàng son của lịch sử dân tộc. Sự chuyển mình của nhà thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng 8 với lối thơ mở lòng đón không khí cuộc sống mới, đất trời mới, nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, đất nước.
Cao trào nhất của dự án là tiết mục kịch Hội thơ đa thế kỷ kể về cuộc gặp gỡ vượt thời gian mang tới thật nhiều tiếng cười cùng những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả. Khi những nhà thơ mới như: Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận đang rót trà, cao hứng bình thơ bỗng nghe tiếng của cây đại thụ như cụ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi nghiêm giọng trách rằng: “Chúng không có luật lệ, không theo quy tắc gì cả, sao có thể coi là thơ?”
Với lối diễn hài hước, dí dỏm cùng lập luận chặt chẽ, thế hệ nhà thơ trẻ đã thuyết phục thành công các bậc tiền bối để có “một loại thơ mới mà tôn lên sự tự do và vẻ đẹp của mỗi người”.
Sau những giây phút hồi hộp trên sân khấu, TDSer Khôi Minh chia sẻ: “Cảm giác được đóng cụ Nguyễn Du là một trải nghiệm rất đáng nhớ của con. Con đã phải luyện tập từ cách đi đứng, chuẩn bị trang phục cho đến thần thái làm sao cho tốt nhất. Ban đầu cũng hơi lo lắng một chút nhưng đến lúc diễn thì con đã nhập vai hoàn toàn”
Là đạo diễn đứng sau tác phẩm kịch TDSer Minh Phú chia sẻ thêm: “Để bắt tay viết kịch bản này con và các bạn trong nhóm cũng đã dành rất nhiều thời gian và sự cố gắng. Bản thân con thấy thơ mới để học trọn vẹn cũng là thử thách khá nan giải nhưng với cách học này con được thoải mái sáng tạo hơn”.
Chủ động sáng tạo những cách học tập khác nhau
Ngoài báo cáo tiểu luận và tiết mục kịch, trò chơi Quizizz giúp các bạn Học sinh thêm một lần hệ thống lại kiến thức đã được học. Phần tranh biện “Làm thơ không thể không có cái tôi” cũng ghi điểm tuyệt đối với các ba mẹ khi chứng kiến toàn bộ quá trình tự tin làm kiến thức trên sân khấu. Chị Nguyễn Hoàng Linh – Phụ huynh TDSer Phụng Huy chia sẻ: “Phải nói là mình thấy các con đã tự tin và trưởng thành rất nhiều so với lớp 6 – khoảng thời gian các con mới bước vào Dewey để học tập. Hôm nay khi nhìn các con báo cáo dự án mình thấy được cả quá trình các con chủ động học tập, tìm hiểu kiến thức và làm chủ kiến thức… đó là điều mình luôn mong muốn. Mình tin là với môi trường học tập cũng như sự giúp đỡ chu đáo của các thầy cô, các bạn sẽ còn nhiều dự án học tập hay hơn nữa trong thời gian tới.”
Đóng vai trò là khán giả theo dõi toàn bộ quá trình, cô Hoàng Tâm cũng có cho mình vài tâm sự riêng: “Cảm xúc ngay bây giờ chính là sự tự hào vì các bạn đã hoàn thành dự án cùng rất nhiều sản phẩm học tập chất lượng, có đam mê khi học về thơ. Nhiều Học sinh đã vượt qua giới hạn của bản thân, tự tin thể hiện trên sân khấu. Có nhóm đã vượt qua cả khó khăn về thời gian để hoàn thành xuất sắc sản phẩm của mình như nhóm kịch 7SanJose. Đây là năm thứ hai đồng hành với Học sinh, mình chứng kiến sự trưởng thành rõ rệt của từng bạn và càng thêm khẳng định rằng việc học tập qua dự án giúp Học sinh thích thú, tự chủ và đam mê với các chủ đề học tập.”
Khép lại dự án Văn khối 7 với nhiều cảm xúc, Dewey tin rằng với tinh thần chủ động học tập, các bạn Học sinh sẽ tiếp tục chinh phục thêm thật nhiều kiến thức trên hành trình của mình!
=> Tìm hiểu thêm các chương trình học tại Dewey Schools tại đây: https://thedeweyschools.edu.vn/chuong-trinh-dao-tao/tong-quan-chuong-trinh-dao-tao-tai-dewey/