“Khi học con thấy tự do, chẳng có giàu nghèo, chẳng có thân phận, con là kẻ hèn được mở mang…”
Một trong những lời thoại thuộc Hồi 5, vở kịch “Mua vui cũng được một vài trống canh” được kịch hoá bởi các bạn Học sinh Khối 9 The Dewey Schools Tây Hồ Tây.
Trong khoảng thời gian 6 tuần, gần 80 TDSers Khối 9 đã nỗ lực hết mình trong công trình nghiên cứu, tìm hiểu và khám phá về tác phẩm trường tồn cùng thời gian của đại thi hào Nguyễn Du. Tất cả những cố gắng ấy đã được trình bày trong Buổi Báo cáo dự án ”Truyện Kiều đi vào lòng người” diễn ra vào Thứ 6, ngày 17/02 vừa qua.
Những tiết mục mở màn đầy sôi động
Bắt đầu buổi Báo cáo với MC Hoàng Anh và Như Anh, khán giả tham dự được thưởng thức bài hát cùng đàn ghita của Nhật Nam. Đây là một bài hát đong đầy cảm xúc mà bạn đã tự phổ nhạc từ Truyện Kiều của Nguyễn Du sau những giờ học Văn tràn đầy cảm hứng.
Khởi động chương trình với Gameshow mang tên “Truyện Kiều ai nhớ ai thương” là một cách để chính các bạn Học sinh được thư giãn trước khi đi vào những phần báo cáo “nặng ký” và đậm chất hàn lâm hơn. Cũng thông qua trò chơi này, các TDSers đã khéo léo “trình bày” cho những khán giả tham dự những hiểu biết của mình về hoạt động đố Kiều và tập Kiều đã lưu truyền trong dân gian hơn 200 năm nay.
Dấu ấn hành trình nghiên cứu
Phần tiếp theo của Buổi Báo cáo chính là phần dành nhiều thời gian, tâm sức để hoàn thiện nhất của các bạn Học sinh – trình chiếu phim tài liệu ghi lại những hoạt động nghiên cứu, thực hành trong suốt thời gian vừa qua của mình. Trong quá trình thực hiện phim tài liệu, các bạn Học sinh đã được Nhà báo Lại Bắc Hải Đăng đồng hành cố vấn để làm ra những sản phẩm tốt nhất.
Trong 4 bộ phim được trình chiếu trong Buổi Báo cáo, ghi lại dấu ấn sâu đậm nhất có lẽ là bộ phim “Kiều trong mắt bạn bè Quốc tế” do nhóm Học sinh lớp 9Oslo thực hiện. Bộ phim khám phá góc nhìn, trải nghiệm và nhận xét về Truyện Kiều qua những người bạn Việt Kiều mới chuyển về nước sau khoảng thời gian sinh sống ở nước ngoài, những người bạn Hàn Quốc ở Việt Nam đã được tiếp cận Kiều bằng cả 3 thứ tiếng… Nội dung phim mang lại nhiều thông tin và góc nhìn mới lạ cho các khách mời tham dự, và cũng để lại nhiều ấn tượng sâu lắng cũng như niềm tự hào không thể che giấu khi tận mắt nhận thấy mức độ lan tỏa rộng rãi của Kiều trên toàn thế giới.
Tiếp nối phần chiếu phim là phần Báo cáo tiểu luận – có lẽ là phần gây lo lắng lớn nhất cho 4 bạn diễn giả của Khối 9. Bởi cuối mỗi bài báo cáo sẽ có phần nhận xét và hỏi đáp từ Khách mời PGS. TS Lê Thời Tân – Phó trưởng khoa Khoa học Xã hội trường ĐH Thủ đô Hà Nội, cùng đoàn Sinh viên Sư phạm – Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Dù vậy, 4 diễn giả trẻ của TDS đã vững vàng vượt qua thử thách, trình bày những bài tiểu luận với chủ đề mới lạ, góc nhìn hiện đại như “Cách thức lan tỏa của Truyện Kiều”, “Khảo sát độ tin cậy của bói Kiều hiện nay”, “Truyện Kiều và những chuyển thể”, và “Học Kiều – lưu giữ quá khứ cho tương lai”.
PGS.TS Lê Thời Tân chia sẻ: “Tôi khâm phục cách đọc hiểu của các bạn Học sinh, dù chưa có kinh nghiệm thiết thân, các em vẫn đưa ra được những ví dụ để thấu hiểu Tú Bà, thông cảm với Hoạn Thư. Tôi hết sức tự hào về cách học, cách dạy được diễn ra tại Dewey và thực sự thu hoạch được nhiều điều từ các bạn Học sinh.”
Sân khấu “Kiều” – Không gian nghệ thuật sáng tạo
Tiếp nối nửa sau của Buổi Báo cáo, “Kiều ca” đã được tấu lên bởi chính 2 bạn Minh Sơn và Nam Khánh là tác giả bài rap, một món ăn tinh thần “cực chất” và cực đúng thời điểm để tăng nhiệt cho Nhà hát Dewey.
Giữ lại “món quà lớn nhất”, học trò Khối 9 TDS Tây Hồ Tây đã tung ra “vũ khí hạng nặng” với vở kịch tự biên, tự diễn mang tên “Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Vở kịch bao gồm 5 hồi và 4 mảnh đời lấy cảm hứng từ hoạt động Bói Kiều. Vì đi xem bói, 4 mảnh đời ấy theo duyên phận gặp nhau, cùng chia sẻ nỗi lòng và hoàn cảnh, cùng cho nhau lời khuyên và cùng vượt qua nghịch cảnh. Có số phận đành khuỵu ngã trước áp lực to lớn từ kỳ vọng của gia đình, có số phận trôi nổi trên dòng đời vì không có mục đích, lý tưởng sống, có số phận bị ép đến nát mình vì khuôn phép, vì tập tục, lại có số phận phải chịu hậu quả cho những lựa chọn của bề trên, người đi trước, oằn mình chống lại áp lực xã hội, rồi cố gắng tìm thấy an nhiên tự tại trong học hành… Và sau tất cả, những mảnh đời ấy, cùng nâng đỡ nhau và nhận ra “xưa nay, nhân định thắng thiên cũng nhiều”!
Một vài dòng chữ không thể diễn tả hết được những nụ cười, tràng vỗ tay và đặc biệt là niềm tự hào trong ánh mắt của mỗi người cha người mẹ tham dự buổi Báo cáo dự án học tập hôm ấy. Truyện Kiều đã không chỉ là tác phẩm văn học trên sách trên vở được dạy và học theo lối thuộc lòng – đọc chép, Truyện Kiều đã được cảm nhận từ nhiều khía cạnh đa chiều của cuộc sống với góc nhìn trẻ trung và hiện đại. Lăng kính ấy có thể vẫn còn một vài thiếu sót, nhưng không thể phủ nhận rằng, các bạn Học sinh đã “đi lại” con đường mà đại thi hào Nguyễn Du đã từng đi khi chắp bút khởi ngữ nên Kiều.
Người đồng hành đặc biệt
Đồng hành dẫn dắt Học sinh trong toàn bộ dự án, cô giáo Diệu Hoa chính là một trong những người giáo viên dũng cảm từ bỏ quyền kiểm soát toàn bộ việc học của Học sinh, trao quyền chủ động quyết định việc thực hiện các sản phẩm cho chính những học trò của mình. Khi được hỏi, “Cô giáo có lo lắng không?”, cô nói, “Lo lắng chứ ạ, nhưng Cô tin các bạn, và các bạn đã trưởng thành rất nhiều sau 6 tuần vừa qua!”.
Buổi báo cáo dự án kết thúc thành công trong tiếng vỗ tay vang dội của cả khán đài cũng là lúc tập thể các cô giáo dạy Văn tại The Dewey Schools nở nụ cười rạng rỡ. Các cô đã trở thành những người bạn đồng hành đúng nghĩa, luôn có mặt mỗi khi Học sinh cần, luôn đưa tay giúp đỡ mỗi khi Học sinh hỏi, để các bạn Học sinh yên tâm khám phá miền đất tri thức theo cách riêng của mình!
Hãy cùng ngắm nhìn lại những giây phút đáng tự hào ấy đã diễn ra tại Nhà hát Dewey Tây Hồ Tây nhé!