Dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Hướng nghiệp Phoenix Ho – Đồng sáng lập Hướng nghiệp Sông An, Thạc sĩ Tham vấn Phát triển nghề nghiệp tại Đại học Santa Clara, Hoa Kỳ, buổi trò chuyện “Hướng nghiệp cùng Gen Z – Hành trình cùng con trưởng thành” đã thu hút sự theo dõi của đông đảo phụ huynh trong và ngoài The Dewey Schools.
The Dewey Schools nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bậc phụ huynh xoay quanh câu chuyện: Làm sao để đồng hành cùng con? Tìm hiểu sở trường và sở thích để chọn nghề phù hợp như thế nào? Chọn lựa nghề nghiệp nên theo tiêu chí nào? Chuẩn bị và sẵn sàng cho thế giới nghề nghiệp tương lai ra sao? Cô Phoenix Ho đã đưa cha mẹ đi qua 4 câu hỏi phổ biến để phân tích từng lát cắt xoay quanh chuyện Hướng nghiệp.
Chuyên gia Phoenix Ho trình bày Mô hình Hành trình từ Sở thích đến Thành tựu để giải quyết được 2 trăn trở liên quan tới hướng nghiệp: Cách đồng hành trong gia đình và Tìm hiểu sở thích sở trường để chọn nghề phù hợp. Với mô hình trên, hành trình đi từ sở thích đến thành tựu của mỗi người sẽ trải qua 4 tầng lọc: Sở thích – Năng khiếu – Kỹ năng – Thành tựu. Ở mỗi giai đoạn, chuyên gia hướng nghiệp và bản thân học sinh sẽ cùng nhau sàng lọc để tìm ra những năng lực nổi trội nhất với thành tựu nổi bật:
- Tầng lọc đầu tiên: Liệt kê tất cả sở thích của bản thân, từ trò chơi yêu thích đến những hoạt động thường ngày thông qua nhận định của con và quan sát của cha mẹ, thầy cô, bạn bè.
- Tầng lọc thứ hai: Xác định năng khiếu từ các sở thích trong tầng lọc 1 và chắt lọc đâu là những năng khiếu dựa trên quan sát của bản thân và nhận xét của người khác.
- Tầng lọc thứ ba: Xác định những kỹ năng đã được xây dựng cụ thể từ những năng khiếu.
- Tầng lọc thứ 4: Xác định các kỹ năng mà con đã đạt thành tựu.
Chuyên gia Phoenix Ho cũng nhấn mạnh các bậc phụ huynh nên cùng con đi qua từng bước một cách bình tĩnh, xây dựng tính bền chí cho con trẻ bằng những ràng buộc. Như vậy, con sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn về năng lực của bản thân ở từng giai đoạn.
Với trăn trở số 3 liên quan tới lựa chọn nghề nghiệp, chuyên gia Phoenix Ho đưa ra Mô hình lý thuyết “Cây nghề nghiệp” làm cơ sở cho các bậc phụ huynh và học sinh. Theo chuyên gia, để có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho tương lai, chúng ta cần cân nhắc 5 yếu tố chính: Sở thích, Năng lực học tập, Khả năng, Cá tính và Giá trị nghề nghiệp. Đây được coi là “5 rễ của cây nghề nghiệp”. Ở lứa tuổi trung học phổ thông, học sinh cần tập trung vào 3 yếu tố sở thích, năng lực học tập và khả năng.
“Hiểu được năng lực học tập của bản thân sẽ giúp cho bạn học sinh tự tin hơn về cách học tập hiệu quả, dù là chương trình học nghề hay học đại học. Năng lực học tập không ảnh hưởng tới lĩnh vực nghề nghiệp của một cá nhân yêu thích,” chuyên gia Phoenix Ho nhấn mạnh điều này tới phụ huynh.
Tiếp tục phân tích “rễ khả năng”, chuyên gia Phoenix Ho cho biết: “Để biết được khả năng nghề nghiệp của bản thân, chúng ta cần hoàn thành 2 điều kiện tiên quyết: Cần được trải nghiệm đủ trước khi biết mình có khả năng nghề nghiệp và bản thân học sinh cần có thói quen quan sát, suy ngẫm để xem mình có khả năng nghề nghiệp ra sao.”
Với trăn trở số 4 – “Chuẩn bị và sẵn sàng cho thế giới nghề nghiệp tương lai ra sao?”, chuyên gia Phoenix Ho giới thiệu về 56 năng lực nền tảng được nghiên cứu bởi công ty McKinsey vào năm 2021. Theo báo cáo của McKinsey, người lao động cần xây dựng 56 năng lực nền tảng cho hành trình phát triển từ hiện tại tới tương lai. Đây là những năng lực nền tảng, bên cạnh các năng lực chuyên môn liên quan tới những công việc đặc thù mà một người lao động cần. 56 năng lực nền tảng được chia thành 4 nhóm: Năng lực tư duy, Kỹ năng tương quan, Kỹ năng lãnh đạo bản thân và Năng lực kỹ thuật số. Hiểu được những nhóm năng lực nền tảng trên, phụ huynh có thể định hướng cho con để thích ứng với mọi sự thay đổi của nghề nghiệp trong tương lai. Chuyên gia Phoenix Ho cũng nhấn mạnh xây dựng năng lực là một quá trình từ từ và cần thực hiện sớm ngay từ khi con còn ngồi trên ghế nhà trường.
Khép lại phần chia sẻ, chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Ho cho rằng hướng nghiệp là một phần của cuộc sống hằng ngày và không thể tách rời được vai trò của ba mẹ. Cha mẹ nên “lo để liệu, thay vì lo để sợ” và cha mẹ nên phản hồi thay vì phản ứng.
“Thay vì lo sợ mình không hướng nghiệp tốt cho con, sợ con đi lệch hướng, vẽ sẵn đường cho con để con không khổ sở như mình trong quá khứ, cha mẹ hãy “lo liệu” bằng cách thực hiện 4 từ khóa: Trao quyền – Đòi hỏi – Nâng đỡ và Đặt giới hạn.”
Trong phần trả lời thắc mắc của những khách mời tham gia workshop, câu hỏi nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh dành cho chuyên gia Phoenix Ho là “Khi nào nên hướng nghiệp cho con?”. Theo nghiên cứu trong ngành hướng nghiệp cũng như kinh nghiệm của chuyên gia, hướng nghiệp nên bắt đầu từ khi con quan sát thế giới. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn sẽ có những điều cần lưu ý với việc hướng nghiệp. Ví dụ, trong giai đoạn con từ 3-6 tuổi, cha mẹ có thể quan sát và cùng đối thoại để hiểu con thích gì. Hiểu được sở thích của con trẻ là bước khởi đầu cho hành trình hướng nghiệp dành cho con. Cô Phoenix Ho cũng lưu ý với các bậc cha mẹ hướng nghiệp không xa rời khỏi những điều cha mẹ làm hàng ngày – như để con được khám phá thế giới, nhưng dưới lăng kính hướng nghiệp, cha mẹ có thể nhìn ra một con đường rõ ràng hơn cho con.
Từ 6 tuổi đến 10 tuổi, con trẻ có thể bước vào những câu chuyện nghề nghiệp, khởi đầu từ chính các công việc của phụ huynh trong các cuộc trò chuyện đời thường. Từ 10 đến 13 tuổi là giai đoạn trải nghiệm sâu hơn về các thế mạnh của con trẻ. Con có thể chủ động tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp và từ 14 tuổi trở lên, con đã bắt đầu loại trừ được các ngành nghề không phù hợp và dần nhận ra những đam mê nghề nghiệp của bản thân.
Với câu hỏi về việc trong khi con trẻ đang có xu hướng thích những nghề mới mẻ như làm sáng tạo nội dung, làm Youtuber trong khi cha mẹ thích con trở thành bác sĩ, giáo viên, làm sao để hài hòa mong muốn của cả hai? Chuyên gia Phoenix Ho cho biết thay vì ép con lựa chọn một ngành nghề cụ thể, cha mẹ nên cùng con tìm hiểu xem, những ngành nghề con mong muốn cần phải có kỹ năng gì. Hãy cho con thử nghiệm và tìm ra những thông tin chính xác để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Trả lời cho câu hỏi về hướng nghiệp trong nhà trường để con có thể tự khám phá về khả năng và đam mê nghề nghiệp bên cạnh sự đồng hành của cha mẹ, Chuyên gia Phoenix Ho cũng chia sẻ bản thân cảm thấy rất ấn tượng khi The Dewey Schools đưa môn Kinh doanh – Hướng nghiệp được xây dựng bài bản vào chương trình học cho Học sinh từ Lớp 6 đến Lớp 12. Chương trình được cấp bản quyền Quốc tế (Junior Achievement – JA là tổ chức đào tạo phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ), cung cấp cung cấp kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm cho học sinh hướng đến 3 trụ cột học tập: Quản lý tài chính; Hướng nghiệp và Khởi nghiệp. Trong đó, kiến thức cơ bản về khoa học hướng nghiệp xoay quanh 3 nội dung cốt lõi: 1. Khám phá bản thân. 2. Tìm hiểu thế giới nghề nghiệp và 3. Xây dựng kế hoạch nghề nghiệp tương lai. Học sinh Dewey còn có thể chia sẻ trực tiếp với các thầy cô, Chuyên gia Tư vấn hướng nghiệp giàu kinh nghiệm ngay tại trường, giúp các bạn sớm hiểu hơn về năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp tương lai.