Tháng 9 tại Dewey Ocean Park trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết khi nhà trường tập trung vào chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường”. Với mong muốn mỗi ngày đến trường là một ngày học hạnh phúc, các thầy cô và nhân viên Nhà trường luôn nỗ lực đóng góp, bảo vệ và đồng hành với từng học sinh. Đây không chỉ là việc đảm bảo sự an toàn thể chất, mà còn là việc nâng đỡ tâm hồn, tạo cơ hội để các TDSers học hỏi, trưởng thành, và phát triển toàn diện.
Cô Phạm Thị Thảo – Nhân viên tâm lý học đường
Cô Phạm Thị Thảo, chuyên viên tâm lý học đường giàu kinh nghiệm, chia sẻ rằng mỗi Học sinh đến với cô đều mang theo những nỗi niềm riêng. Một số em khó khăn trong việc giao tiếp với người khác, một số khác lại gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, hoặc mang trong mình cảm giác thiếu tự tin. Qua nhiều năm công tác về mảng tâm lý học đường, cô Thu Thảo đúc kết được: “Giáo dục không chỉ là dạy kiến thức mà còn là xây dựng một môi trường mà các em cảm thấy an toàn, được lắng nghe và tôn trọng, nơi các em có thể phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần.”
Với cô Thảo, tâm lý học đường đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ). “Thông qua tham vấn tâm lý học đường, các em được giúp đỡ để phát triển tư duy phản biện, biết phân biệt đúng sai và hiểu rõ tác động của hành động mình lên người khác. Khi các em biết cách lập ranh giới cá nhân và tự bảo vệ mình, nguy cơ bạo lực sẽ giảm đi đáng kể.” Cô Thảo cũng tin rằng những khó khăn các em đối mặt không phải là điều bất thường, mà là cơ hội để trưởng thành, do vậy các em rất cần sự đồng hành sát sao từ Nhà trường và gia đình.
Thầy Nguyễn Đức Lộc – Trưởng nhóm QA và An toàn trường học
Không chỉ chú trọng vào khía cạnh tâm lý, The Dewey Schools Ocean Park cũng luôn nỗ lực cải tiến cơ sở vật chất và xây dựng quy trình giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn tối đa cho Học sinh. Thầy Nguyễn Đức Lộc – Trưởng nhóm QA và An toàn trường học, với hơn 10 năm kinh nghiệm, cho biết: “BLHĐ không chỉ là vấn đề kỷ luật mà còn liên quan đến sự quan sát, giám sát thường xuyên, sự tương tác giữa giáo viên, nhân viên và học sinh. Chúng tôi cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm để can thiệp kịp thời, đảm bảo các em luôn cảm thấy an toàn trong trường học.”
Từ góc nhìn của một người cha, thầy Đức Lộc chia sẻ thêm: “Bên cạnh chất lượng giáo dục, môi trường an toàn chính là yếu tố quyết định tương lai của học sinh. Môi trường học an toàn giúp học sinh phát triển theo đúng lứa tuổi và kỷ luật tích cực không phải là ép buộc hay trừng phạt, mà là cơ hội để học sinh bày tỏ suy nghĩ và giúp thầy cô hiểu rõ hơn tâm tư của các em, từ đó đồng hành và hỗ trợ tốt hơn.”
Thầy Nguyễn Viết Đại Phúc – Nhân viên phụ trách Nền nếp Kỷ luật
Tại The Dewey Schools, Kỷ luật tích cực là một trong những phương pháp hiệu quả để xử lý bạo lực học đường. Thầy Nguyễn Viết Đại Phúc – Nhân viên phụ trách Nền nếp Kỷ luật THCS-THPT, chia sẻ: “Kỷ luật tích cực không phải là hình phạt mà là cơ hội để Học sinh nhận ra sai lầm và sửa đổi. Phương pháp này khuyến khích Học sinh bày tỏ quan điểm, giúp các em hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề và tự mình cải thiện.” Với cách tiếp cận này, Học sinh không chỉ học cách giải quyết xung đột mà còn phát triển kỹ năng xây dựng mối quan hệ lành mạnh, biết tôn trọng ranh giới của người khác.
Thầy Đại Phúc còn nhấn mạnh thêm kỷ luật tích cực giúp Học sinh cởi mở hơn trong việc chia sẻ những khó khăn cá nhân. Điều này giúp các em cảm thấy được tôn trọng, không bị cô lập, và quan trọng hơn cả là giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân hay thủ phạm của BLHĐ.
Trường học không chỉ là nơi để Học sinh thu nạp kiến thức, mà còn là nơi các em được nuôi dưỡng về tâm hồn và cảm xúc, được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để đối mặt với thách thức trong cuộc sống. Phòng chống bạo lực học đường không chỉ là cuộc chiến chống lại những hành vi tiêu cực, mà là một hành trình xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện, nơi mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển và tỏa sáng theo cách của riêng mình.