“Cả cuộc đời của các em gần như gắn với núi rừng, cuộc sống khó khăn và thiếu thốn. Có lẽ đây là chuyến đi đặc biệt mà sau này các bạn sẽ không bao giờ quên bởi mong muốn được ra Hà Nội đã trở thành hiện thực. Nhờ có những cuộc gặp gỡ, giao lưu với các bạn Học sinh Dewey, các em được tiếp thêm sức mạnh và động lực trong học tập, có ước mơ và hoài bão, khát khao một cuộc sống tốt hơn sau này. Tôi vô cùng cảm động và muốn gửi lời cảm ơn trường Dewey vì đã dành rất nhiều tình cảm và tạo điều kiện cho thầy và trò nhà trường tham quan, học hỏi qua chuyến đi này. “ – Thầy Hoàng Đức Hòa – Hiệu trưởng Trường Phổ thông nội trú Bố Trạch, Quảng Bình xúc động chia sẻ trong sự kiện “Gieo mầm ước mơ” được The Dewey Schools tổ chức cuối tuần qua.
Gieo mầm ước mơ là sự kiện thường niên nằm trong chuỗi hoạt động của Quỹ Vì Cộng đồng Dewey, với mong muốn tiếp thêm nghị lực học tập và theo đuổi giấc mơ, mở ra những cánh cửa mới cho tương lai cho những Học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, thầy và trò The Dewey Schools vô cùng hào hứng khi được đón tiếp đoàn Học sinh từ Trường Phổ thông Nội trú Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Học sinh 2 trường đã dành trọn 3 ngày bên nhau với rất nhiều cảm xúc.
Đến từ một huyện nghèo của vùng đất Quảng Bình, những đôi vai gầy của các em bị đè nặng bởi những khó khăn “cơm áo gạo tiền”, nhiều em buộc phải ưu tiên kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Việc học với các em vì thế mà dần trở thành điều “xa xỉ”, một giấc mơ xa vời không thể chạm tới. Thế nhưng, sau 3 ngày khám phá Hà Nội và The Dewey Schools, ánh mắt các em lại ngập tràn hy vọng.
Lần đầu tiên các em tận mắt chứng kiến một môi trường giáo dục nơi Học sinh là trung tâm. Lần đầu tiên các em được học qua trải nghiệm với hoạt động lập trình robot trong giờ học Khoa học. Lần đầu tiên các em biết rằng học không chỉ là đọc sách, ghi chép mà còn là vẽ tranh từ nguyên liệu tự nhiên với một môn học có tên gọi rất lạ: Nghệ thuật thị giác. Đây có lẽ là những trải nghiệm đáng nhớ nhất của các em trong chuyến tham quan và học tập tại Dewey.
Văn Miếu Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng gốm Bát Tràng hay Nhà tù Hỏa Lò, có lẽ là những địa điểm đã quá quen thuộc với những TDSers sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Nhưng với những Học sinh đã quen với những buổi tối không có điện, những học sinh phải đi bộ 2 tiếng để tới trường, hay những Học sinh vốn chỉ quen với nương rẫy, thì mọi thứ tại đây đều vô cùng mới mẻ.
“Em và các bạn Học sinh trường Bố Trạch cảm thấy rất vui và hào hứng khi được tới Hà Nội. Trong những nơi mà chúng em tới, em ấn tượng nhất là trường Dewey vì trường rất đẹp và rộng. Được học tập và trải nghiệm tại Hà Nội khiến em thấy như được tiếp thêm sức mạnh và ý chí trong việc nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo của mình. Cảm ơn các thầy cô và bạn Học sinh Dewey đã chào đón và dành tình cảm cho chúng em trong những ngày vừa qua.” Bạn Y Tiểng – học sinh lớp 12 xúc động bày tỏ.
Chứng kiến những ánh mắt trầm trồ, những nụ cười rạng rỡ của Học sinh Bố Trạch, trong lòng các TDSers cũng dấy lên những cảm xúc khó tả. Đó là niềm vui, cũng là sự đồng cảm, là khao khát được giúp đỡ, được sẻ chia. 3 ngày trò chuyện, dẫn dắt các Học sinh Bố Trạch đã trở thành quãng thời gian quý báu để TDSers hiểu sâu sắc hơn bài học về lòng nhân ái, sẵn lòng cho đi và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
“Em rất biết ơn và trân trọng khi đã từng có cơ hội được tới trường Bố Trạch để giao lưu và trải nghiệm cuộc sống của các bạn tại đây. Được tận mắt chứng kiến môi trường sống và học tập của các bạn, em cảm nhận được sự khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần mà có lẽ đó là những điều luôn đủ đầy đối với học sinh TDS. Mong rằng sau chuyến giao lưu, các bạn TDSers sẽ xây dựng được cộng đồng học sinh Dewey giàu lòng nhân ái, hào phóng cho đi và tiếp tục thắt chặt sợi dây liên kết giữa 2 trường.” – Cựu TDSers Vũ Hoàng Anh (12Madrid) chia sẻ.
Gửi tới những Học sinh Bố Trạch, The Dewey Schools mong rằng chuyến thăm này sẽ là một kỷ niệm đẹp, là hành trang tinh thần để các em thêm vững tin vào hành trình sắp tới. Hy vọng trên hành trình đó, các em sẽ luôn kiên trì, bền bỉ theo đuổi những hoài bão, hiện thực hóa những khát vọng, tiếp tục gieo mầm cho những ước mơ còn dang dở. Hãy luôn nhớ rằng: Học tập không chỉ là con đường thoát nghèo, mà còn là chìa khóa để mở ra những chân trời mới, những cơ hội mới, là phương tiện để tự mình viết nên những chương mới trong cuộc đời.